Thận là cơ quan quan trọng trong cơ thể. Thận suy yếu sẽ ảnh hưởng tới thể trạng, thậm chí tuổi thọ của con người.
Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó trưởng khoa Nội kiêm Phó trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, hiện nay người trẻ thường có chế độ ăn mất cân đối, thích gì ăn đó cộng thêm thói quen ít vận động khiến cho các bệnh lý thận mắc ở người trẻ cũng có xu hướng gia tăng.
Việc mất cân bằng dinh dưỡng, dùng quá nhiều một loại thực phẩm hoặc dùng các thực phẩm không đảm bảo đều có thể gây ảnh hưởng tới chức năng thận. Với một người trưởng thành nguyên tắc xây dựng khẩu phẩn ăn phải cân đối dinh dưỡng, ăn vừa đủ lượng muối, uống đủ nước…
Thứ tác động xấu tới thận nhưng người Việt ăn nhiều
Người Việt hiện đang ăn dư thừa muối so với khuyến cáo. Số liệu từ Cục Y tế dự phòng cho thấy trung bình mỗi ngày một người Việt trưởng thành tiêu thụ khoảng 9,4g muối, cao gần gấp đôi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là ít hơn 5g muối/ngày (khoảng 1 thìa cà phê).
WHO khuyến cáo, chế độ ăn mặn là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của nhiều bệnh mạn tính. Một ngày, một người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 2.000mg natri, tương đương 5g muối. Nếu ăn nhiều hơn, cơ thể sẽ bị mất cân bằng chỉ số natri và kali, khiến thận lọc nước kém. Thói quen ăn mặn cũng chính là nguyên nhân gây suy giảm chức năng thận, tăng nguy cơ mắc bệnh dạ dày và gây ảnh hưởng tới hệ xương khớp.
Bác sĩ Đào cho hay, muối là khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người. Tuy nhiên, việc tiêu thụ muối quá mức, bao gồm muối trong các loại gia vị, thực phẩm chế biến sẵn… có thể dẫn đến hệ quả tiêu cực về sức khỏe, trong đó có chức năng thận.
Lý giải về cơ chế tác động của muối tới thận, bác sĩ Đào cho hay, thận có chức năng lọc và bài tiết. Việc ăn muối nhiều sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu của khối lượng tuần hoàn. Khi muối tăng, dịch sẽ tăng và làm tăng khối lượng tuần hoàn, thể tích tuần hoàn. Lúc này, thận sẽ phải làm việc quá sức.
Việc tăng áp lực sẽ ảnh hưởng tới chức năng của thận. Theo cơ chế sinh lý, thận sẽ phải tự cân bằng để duy trì hoạt động đào thải muối dư thừa. Tuy nhiên, khi thận hoạt động quá mức, chức năng thận sẽ bị suy yếu.
"Khi thận suy yếu và không thể đào thải được kali sẽ làm cho chất này tăng trong máu, gây ra tình trạng mệt mỏi, đánh trống ngực… Thận suy không giữ được sắt sẽ dẫn tới tình trạng thiếu máu, giảm hồng cầu. Thận không giữ được photpho sẽ khiến cho xương loãng và dễ gãy", bác sĩ Đào khuyến cáo.
Để giảm muốn trong khẩu phần ăn, bác sĩ Đào khuyên một người bình thường nên ăn dưới 5g muối ngày. Giảm lượng muối khi chấm bằng cách pha loãng mắm hoặc chuyển sang ăn xì dầu pha loãng. Tuy nhiên, khi giảm mặn trong khẩu phần ăn, mọi người cần phải giảm từ từ để cơ thể thích nghi dần.
Cũng theo khuyến nghị của WHO, mỗi cá nhân và gia đình có thể giảm lượng muối ăn bằng những biện pháp rất đơn giản như sau:
- Không để nước mắm, nước tương và muối trên bàn ăn.
- Hạn chế lượng muối, bột canh, nước mắm… cho vào thức ăn khi nấu nướng, mức tối đa là không quá một phần năm thìa cà phê muối cho một bữa ăn của một người một ngày.
- Hạn chế thường xuyên sử dụng các sản phẩm có hàm lượng muối cao.
- Nên chọn các sản phẩm có hàm lượng muối thấp khi mua thực phẩm chế biến sẵn.
- Đọc nhãn khi mua thực phẩm đã được chế biến sẵn để kiểm tra hàm lượng muối.
- Nên cho trẻ em ăn thực phẩm tự nhiên và không thêm muối.
Để giữ cho thận luôn khỏe mạnh, bác sĩ Đào cũng lưu ý mọi người nên xây dựng lối sống lành mạnh, ăn cân bằng dinh dưỡng, vận động hàng ngày (đảm bảo vận động 150 phút/tuần).
Ngoài ra, mọi người cũng cần phải uống đủ nước trong ngày. Với người có các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu cần phải quản lý bệnh để tránh gây ra các biến chứng ở thận.
Với người khỏe mạnh, mọi người nên đi kiểm tra sức khỏe 2 lần/năm để sàng lọc các bệnh lý trên cơ thể nói chung và bệnh lý thận nói riêng.