Theo hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm, đáng lo ngại tại Việt Nam hiện có nhiều ổ sốt rét mới có nguy cơ lan rộng. Chỉ trong 3 quý đầu năm cả nước ghi nhận 354 ca mắc sốt rét, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thống kê của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, đến nay tại Việt Nam còn gần 7 triệu người sống trong vùng bệnh sốt rét lưu hành, trong khi đó tình trạng sốt rét kháng thuốc và muỗi kháng hóa chất gây khó khăn trong phòng bệnh.
Diễn biến phức tạp
Theo hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm cho thấy hai tỉnh có số ca mắc sốt rét gia tăng. Trong đó, tỉnh Lai Châu ghi nhận 83 trường hợp mắc sốt rét, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022, tập trung tại huyện Mường Tè; tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 145 trường hợp mắc sốt rét, tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm 2022 (không ghi nhận mắc), tập trung tại huyện Khánh Vĩnh. Bên cạnh đó, tại một số tỉnh thành đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét cũng đã ghi nhận các trường hợp bệnh sốt rét ngoại lai.
Ông Trần Đỗ Kiên - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Lai Châu - cho hay mặc dù có nhiều nỗ lực trong phòng chống sốt rét tại địa phương, tuy nhiên đến nay Lai Châu vẫn là điểm nóng sốt rét. "Trong 5 năm liên tiếp số ca sốt rét ghi nhận tại địa phương có xu hướng gia tăng. Năm 2019 ghi nhận 56 ca, đến năm 2022 đã tăng lên 101 ca và năm nay đến thời điểm hiện tại là 93 ca.
Nguyên nhân dẫn đến việc khó kiểm soát dịch bệnh tại tỉnh là địa bàn có 20 dân tộc sinh sống, giao thông đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, khí hậu Lai Châu có hai mùa khô và mưa. Người dân có phong tục vào rừng lấy nông sản, ngủ ở trong rừng, không mắc màn tạo điều kiện cho muỗi sốt rét gây bệnh..." , ông Kiên cho hay.
Ông Kiên cho biết thêm nhiều trường hợp nhân viên y tế đến tận nhà hướng dẫn người bệnh mở lọ thuốc, lấy từng viên thuốc cho họ uống, nhưng chỉ được một ngày, sau đó họ lại không chấp hành.
Với sốt rét thể P.Vivax cần điều trị triệt để trong 14 ngày nhưng người bệnh không tuân thủ khiến việc điều trị và kiểm soát lây lan khó khăn hơn. Đây là khó khăn lớn nhất vì nguy cơ tái phát có thể xảy ra. Ngoài ra, nhân lực phục vụ cho phòng chống sốt rét còn hạn chế, dù tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương hằng năm nhưng vẫn thiếu. Lai Châu còn cần thêm các tài trợ hóa chất, màn để dập các ổ sốt rét.
Thiếu nguồn lực phòng chống dịch
Theo ông Hoàng Đình Cảnh, viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt bệnh sốt rét vào năm 2030. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay nếu không có nguồn lực và đẩy mạnh hoạt động phòng chống bệnh thì rất khó để đạt được mục tiêu này.
Ông Cảnh nêu rõ ngoài việc phong tục tập quán người dân, đặc biệt tại các tỉnh miền núi tạo điều kiện cho muỗi lây truyền bệnh, thì nguồn lực từ con người và ngân sách chưa đảm bảo cho phòng chống dịch.
"Hiện nay, nguồn ngân sách cho phòng chống sốt rét đã được giao về các địa phương, không còn chương trình mục tiêu quốc gia. Điều này khiến các địa phương gặp khó khi không có ngân sách phòng chống dịch. Ngân sách địa phương không chi hoặc chi rất ít, không đủ để các địa phương phòng dịch.
Đặc biệt, đối với dịch sốt rét cần thường xuyên giám sát, phun khử khuẩn ở nơi có bệnh lưu hành, công tác tuyên truyền... là rất cần thiết.
Để duy trì những hoạt động này, các địa phương cần đảm bảo nguồn ngân sách. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ y tế địa phương còn mỏng, phải phụ trách nhiều việc, địa bàn rộng dẫn đến việc phòng chống dịch chưa hiệu quả", ông Cảnh nhận định.